Ngày nay, hơn ½ lượng cá con người tiêu thụ đến từ hình thức nuôi trồng thuỷ sản. Mức gia tăng này là điều tất yếu do dân số và nhu cầu thực phẩm trên toàn cầu ngày một tăng cao. Tuy nhiên, nếu quá trình nuôi trồng thuỷ sản không được thực hiện có trách nhiệm thì sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (Aquaculture Stewardship Council – ASC) được thành lập.
ASC là ai và có nhiệm vụ gì?
Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (Aquaculture Stewardship Council – viết tắt là ASC) là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế ra đời nhằm giúp cho việc nuôi trồng thuỷ sản trở nên bền vững hơn. Các tiêu chuẩn canh tác theo ASC đã được phát triển bởi hàng nghìn nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia đầu ngành. Để đạt chứng nhận ASC, quy trình sản xuất của trang trại nuôi trồng thuỷ sản phải được kiểm tra đánh giá bởi một chuyên viên độc lập để đảm bảo rằng trang trại đó đạt đủ tất cả các tiêu chuẩn bắt buộc.
Làm thế nào để các trang trại nuôi trồng thuỷ sản đạt chứng nhận ASC?
Để được dán nhãn ASC, quá trình sản xuất của các trang trại nuôi trồng thuỷ sản không được gây tổn hại đến môi trường, dù họ hoạt động trên sông, hồ hay đại dương.
ASC đảm bảo quá trình nuôi trồng thuỷ sản phải giảm thiểu việc sử dụng hóa chất, kháng sinh và không làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
Tiêu chuẩn ASC cũng đề cập đến các tác động xã hội của nghề nuôi trồng thuỷ sản. Cụ thể, nó nghiêm cấm chế độ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử; nhân viên phải có nơi làm việc an toàn và được trả lương công bằng.